Không chủ quan với bệnh thủy đậu
Cập nhật: 13.04.2018 16:16
Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở y tế tại phía Bắc và phía Nam đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân gồm cả trẻ em và người lớn bị thủy đậu, trong đó có cả những trường hợp bị biến chứng nặng...
Hằng năm, bệnh thủy đậu đều có xu hướng
bùng phát mạnh mẽ từ tháng 1 đến tháng 5, với hàng chục ngàn ca bệnh. Từ đầu
năm đến nay, ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW, Khoa Truyền nhiễm - BV
Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trường hợp cả người lớn và trẻ em bị thủy đậu. Theo
TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, nhiều người trong số
này gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm não, bội nhiễm nốt phỏng da... Các
biến chứng gặp ở bệnh nhân có bệnh cảnh nền như suy giảm miễn dịch, có tiền sử
mắc bệnh tự miễn hệ thống (như bệnh Lupus ban đỏ) có triệu chứng nặng hơn so với
thông thường.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, từ
đầu năm đến nay chưa có trường hợp bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan. Vì vậy, ngay từ
đầu năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị Y tế
chủ động xây dựng kế hoạch phòng bệnh. Theo
đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người
dân về các biện pháp phòng bệnh thủy đậu. Theo Thạc sỹ Lê Hoàng Nam – Giám đốc
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: virut gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua
đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những
giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi. Ngoài
ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ
ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Thủy đậu gặp
nhiều hơn ở trẻ em, nhưng người lớn chưa có miễn dịch cũng có thể bị lây bệnh
và biểu hiện bệnh cũng nặng hơn ở trẻ em. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may
bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Vì vậy, để phòng
chống bệnh thủy đậu, người dân thực hiện một số biện pháp:
-
Tiêm ngừa vắc-xin đủ liều, đúng lịch. Tiêm vắc-xin là biện pháp đơn giản và hiệu
quả nhất giúp phòng bệnh thủy đậu (Tiêm 1 liều đối với trẻ từ 1 - 12 tuổi và 2
liều đối với thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên, mỗi mũi cách nhau ít nhất 4
tuần; Đối với phụ nữ có ý định mang thai được khuyến cáo nên tiêm 1 liều trước
khi mang thai 3 tháng).
-
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ
sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
-
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát
khuẩn thông thường. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc
nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây
lan cho những người xung quanh.